Hội Doanh nghiệp Đông Anh: Bản tin doanh nghiệp tháng 10/2023
Hội Doanh nghiệp Đông Anh cung cấp cho bạn đọc một bức tranh tổng quan về tình hình đăng ký hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam vào tháng 10/2023 và 10 tháng đầu năm 2023.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2023
Trong những tháng cuối năm 2023, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ suy thoái, cạnh tranh nước lớn tiếp tục gay gắt, tiềm ẩn nhiều rủi ro với kinh tế toàn cầu. Trong nước, nền kinh tế phục hồi tích cực, nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp đang từng bước phát huy hiệu quả, nhiều dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia được đưa vào khai thác; công tác đối ngoại, ngoại giao và hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục mở ra cơ hội mới cho thu hút đầu tư. Một số tổ chức điều tra, nghiên cứu kinh tế thế giới về Việt Nam nhận định: Việt Nam là một trong những nước đang được dự báo có sự phục hồi nhanh chóng về kinh tế, Việt Nam thực sự đang trở thành “điểm sáng” thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, Việt Nam là một trong những điểm sáng kinh tế Đông Nam Á. Trong bối cảnh nhiều quốc gia bị hạ bậc tín nhiệm, Việt Nam vẫn được Moody’s và S&P nâng hạng tín nhiệm quốc gia nhờ thực hiện tốt việc quản lý nợ công theo hướng giảm dần. Việt Nam cũng được IFC đánh giá là 1 trong 5 quốc gia được đầu tư dài hạn nhiều nhất tại châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức vẫn nhiều hơn thời cơ, thuận lợi như mưa lớn ở miền Trung gây thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn… Những tác động trên đã ảnh hưởng đến tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2023 như sau:
Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
Biểu đồ 1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn năm 2019 – 2023
Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh
Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 10 tháng đầu năm 2023 đạt 183.638 doanh nghiệp, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,2 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 10 tháng giai đoạn 2018-2022 (148.656 doanh nghiệp).
Doanh nghiệp thành lập mới
Số doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng đầu năm 2023 là 131.777 doanh nghiệp, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 (110.953 doanh nghiệp). Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập trong 10 tháng đầu năm 2023 đạt 1.212.620 tỷ đồng, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 10 tháng đầu năm 2023 là 2.861.353 tỷ đồng (giảm 31,4% so với cùng kỳ năm 2022), bao gồm: Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.212.620 tỷ đồng và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 1.648.733 tỷ đồng (giảm 41,0% so với cùng kỳ năm 2022). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp thành lập trong 10 tháng năm 2023 đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 16,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Có 12/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể: Giáo dục và đào tạo (tăng 30,0%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 14,8%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (tăng 14,7%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (tăng 14,0%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 7,1%); Vận tải kho bãi (tăng 6,3%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (tăng 5,5%); Thông tin và truyền thông (tăng 5,1%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 4,4%); Khai khoáng (tăng 4,0%); Xây dựng (tăng 3,6%) và Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (tăng 2,1%).
Có 5/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2022: Kinh doanh bất động sản (giảm 50,2%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (giảm 19,8%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (giảm 15,3%); Hoạt động dịch vụ khác (giảm 2,8%) và Công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm 1,8%).
Doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (từ 0 – 10 tỷ đồng) với 119.713 doanh nghiệp (chiếm 90,8%, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2022). Về lĩnh vực hoạt động chính, doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu thuộc nhóm ngành Dịch vụ có 99.047 doanh nghiệp, chiếm 75,2% tổng số doanh nghiệp thành lập mới (tăng 6,4% so với năm 2022); nhóm ngành Công nghiệp và Xây dựng có 31.303 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 23,8% tổng số doanh nghiệp thành lập mới (tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2022) và nhóm ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ghi nhận có 1.427 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 1,1% tổng số doanh nghiệp thành lập mới (giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2022).
Có 3/6 khu vực trên cả nước đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2022: Trung du và miền núi phía Bắc (6.582 doanh nghiệp, tăng 11,9%); Đông Nam Bộ (55.984 doanh nghiệp, tăng 10,2%); Đồng bằng Sông Hồng (41.140 doanh nghiệp, tăng 7,3%). Các khu vực có số doanh nghiệp đăng ký thành lập giảm so với cùng kỳ năm 2022: Đồng bằng Sông Cửu Long (9.443 doanh nghiệp, giảm 4,8%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (15.274 doanh nghiệp, giảm 10,4%) và Tây Nguyên (3.354 doanh nghiệp, giảm 12,5%).
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng đầu năm 2023 là 880.426 lao động, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 10 tháng đầu năm 2023 là 51.861 doanh nghiệp, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,4 lần mức bình quân trong 10 tháng giai đoạn 2018-2022 (37.703 doanh nghiệp).
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 11/17 lĩnh vực, cụ thể: Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (256 doanh nghiệp, tăng 18,5%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (485 doanh nghiệp, tăng 16,6%); Thông tin và truyền thông (1.041 doanh nghiệp, tăng 7,3%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (3.732 doanh nghiệp, tăng 5,7%); Kinh doanh bất động sản (1.947 doanh nghiệp; tăng 5,5%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (866 doanh nghiệp, tăng 5,1%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (728 doanh nghiệp, tăng 3,1%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (5.981 doanh nghiệp, tăng 2,7%); Xây dựng (6.747 doanh nghiệp, tăng 2,0%); Vận tải kho bãi (2.496 doanh nghiệp; tăng 0,6%); Giáo dục và đào tạo (1.333 doanh nghiệp, tăng 0,3%).
Các lĩnh vực ghi nhận số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm gồm có: Hoạt động dịch vụ khác (1.328 doanh nghiệp, giảm 14,9%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (405 doanh nghiệp, giảm 11,4%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.689 doanh nghiệp, giảm 10,5%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (2.742 doanh nghiệp, giảm 7,9%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (18.707 doanh nghiệp, giảm 4,2%) và Khai khoáng (378 doanh nghiệp, giảm 0,5%).
Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Trong 10 tháng đầu năm 2023, có 146.550 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,0% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 55,3%), cụ thể:
– Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 81.086 doanh nghiệp, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2022. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 10 tháng đầu năm có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 38.386 doanh nghiệp (chiếm 47,3%); có quy mô nhỏ dưới 10 tỷ đồng với 71.845 doanh nghiệp (chiếm 88,6%, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2022).
– Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 50.735 doanh nghiệp, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2022. Các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng với 44.345 doanh nghiệp (chiếm 87,4%, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2022).
– Số doanh nghiệp giải thể là 14.729 doanh nghiệp, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 6/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2022. Phần lớn doanh nghiệp giải thể trong 10 tháng đầu năm 2023 có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 10.100 doanh nghiệp (chiếm 68,6%), có quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 12.673 doanh nghiệp (chiếm 86,0%, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2022).
Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 10/2023
Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
Tháng 10/2023 có 15.435 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 125.844 tỷ đồng, tăng 18,5% về số doanh nghiệp và tăng 17,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022.
Biểu đồ 2. Doanh nghiệp thành lập và vốn đăng ký (tỷ đồng) giai đoạn 2019-2023
Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh
Trong tháng 10/2023, có 3/6 vùng trên cả nước có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2022: Đông Nam Bộ (5.980 doanh nghiệp, tăng 26,0%); Đồng bằng Sông Cửu Long (1.033 doanh nghiệp, tăng 17,3%); Trung du và miền núi phía Bắc (606 doanh nghiệp, tăng 11,2%). Các vùng còn lại ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký thành lập giảm so với cùng kỳ năm 2022: Tây Nguyên (314 doanh nghiệp, giảm 11,3%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (1.316 doanh nghiệp, giảm 4,8%) và Đồng bằng Sông Hồng (3.435 doanh nghiệp, giảm 3,5%).
Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10/2023 là 131.565 người, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 10/2023 ghi nhận có 5.630 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Trong tháng 10/2023, cả nước có 11.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có:
– 5.501 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2022;
– 4.898 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2022;
– 1.501 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh